Các cong ty bao ve ngày nay ngoài việc đào tạo các vệ sĩ chuyên nghiệp thì việc đào tạo các
thám tử cũng là một xu hướng phát triển của các công ty bảo vệ. Đối với nữ giới
theo nghề thám tử cũng như các nữ bảo vệ vậy, họ luôn phải cân bằng giữa sự
nghiệp, gia đình và tình yêu.
Chị Hương là
một nữ thám tử có kinh nghiệm trong nghề,hàng ngày chị Hương đi làm như
một người công nhân viên chức bình thường. Mọi người trong gia đình cũng chỉ biết
chị làm ở công ty chuyên cung cấp thông tin. Không ai nghĩ một người đàn bà có
dáng người nhỏ bé này lại là một thám tử tư. Nói đến nghề này, người ta thường
hình dung tới hình ảnh một người đàn ông chững chạc, khỏe khoắn và có tài giải
quyết tình huống khá chắc chắn. Nhưng cùng với các đồng nghiệp nam khác trong
công ty, chị Hương cũng đã tham gia nhiều vụ việc hoàn thành rất tốt.
Tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chị Hương
xin đi làm ở một số công ty. Nhưng trong chị luôn có một điều gì đó thúc đẩy,
làm chị có cảm giác công việc hiện tại vẫn chỉ là tạm thời, nó chưa phải là niềm
đam mê thực sự của mình. Hồi còn là học sinh, sinh viên chị rất thích đọc truyện
trinh thám Sherlock Holmes.
Chị tâm sự: "Tôi không ngờ, việc đọc những nhân vật
trong tiểu thuyết đó lại ngấm vào mình sâu sắc vậy. Đến khi trở thành thám tử
tôi mới hiểu ý nghĩa của những câu chuyện, tình tiết xử lý mà nhân vật đã
làm". Chị Hương nói rằng, khi đọc những trang sách đó, chị biết đấy mới chỉ
gọi là bước khởi đầu, cảm nhận chung về nghề. Còn thực tiễn mỗi cá nhân vận dụng
những hiểu biết đó được bao nhiêu mới quan trọng. Bước đầu xâm nhập vào thế giới
trinh thám xuất phát từ đó.
Tình cờ đọc thông tin trên một trang báo anh ninh, chị nộp hồ
sơ dự tuyển và trúng vào công ty thám tử. Khi mới làm công việc, chị Hương vừa
sinh cậu con trai đầu lòng được 6 tháng tuổi. Chị bảo rằng, không biết động lực
gì lại thúc đẩy chị theo được nghề. Mọi sự khởi đầu của một nữ thám tử như chị
gặp không ít những khó khăn, trong công việc đã đành, phía gia đình lại càng
nhiều những hạn chế. Chồng đi làm ăn tận bên Italy, để 2 mẹ con ở nhà với nhau.
Mỗi lần chồng vắng nhà, chị Hương lại đưa con sang ông bà
ngoại tá túc để khi tác nghiệp có "hậu phương" trợ giúp. Chị nói:
"Hạn chế của nữ thám tử phần đa là do yếu tố gia đình. Bản thân tôi luôn
phải tranh thủ thời gian để hoàn thành công việc được sếp giao. Có buổi, đang tầm
10h đêm, giám đốc báo đi làm gấp một vụ tình ái ở tận Bắc Giang. Tôi "vứt"
ngay cháu sang phòng bà ngoại rồi cùng một đồng nghiệp nam đi một mạch trong
đêm, đến địa chỉ mà khách hàng cung cấp".
Theo chị Hương, yếu tố để trở thành một người thám tử nói
chung là sự yêu nghề, đam mê với nó. Riêng về những nữ thám tử cần có thêm sức
khỏe. Tất nhiên đã là một người thám tử thì khả năng nhanh nhạy, xử lý khéo léo
các tình huống rất quan trọng, nó quyết định rất lớn sự thành công nhiệm vụ được
giao. Chị cười bảo: "Nghề chúng tôi và nghề diễn viên na ná giống nhau.
Cũng hóa trang thành các nhân vật. Song có điều, chúng tôi luôn diễn những vai
quần chúng mà người xem không ai biết".
Do đặc thù công việc phải luôn di chuyển, lần theo dấu vết đối
tượng thường xuyên nên thám tử nữ không được phép cho mình mặc những chiếc chân
váy, hay nhuộm tóc xanh đỏ. Nhiều bận chồng từ nước ngoài về Việt Nam thăm vợ
con, chị Hương cũng xúng xính trong chiếc đầm quyến rũ nhưng khi đi làm chị lại
cất vào trong tủ. Anh chồng hỏi vợ sao không mặc mà phải thay ra, chị chỉ biết
cười nhẹ nói "không tiện".
Hiện tại anh chưa biết nghề nghiệp thực tế của vợ mình làm
gì nhưng chị xác định cũng sẽ nói với chồng ở một thời điểm thích hợp. Chị
Hương tâm sự: "Cũng may là anh ấy một năm về nước dăm lần. Chứ nếu sống ở
Việt Nam, thấy vợ luôn phải đi "đột xuất" chắc anh ấy nghi ngờ tôi lắm.
Nhưng thực ra nói sớm hay muộn cũng vậy. Nếu có "sự cố", tôi sẽ
"khai" luôn nghề mình làm cho anh ấy hiểu".
Trong số những thám tử, cô gái Hoàng Yến Nhi cũng "bon
chen" trong nghề kha khá. Tốt nghiệp Cao đẳng Giao thông Vận tải chuyên
ngành kinh tế, Nhi đầu quân vào công ty thám tử cũng được 2 năm. Vào nghề từ
con số không: không biết, không hiểu, không kinh nghiệm nhưng có thể nói giờ cô
đã khá chững chạc trong công việc. Nhi được các anh chị đi trước dìu dắt, thực
tế thường xuyên. Cô đã nắm bắt khá nhanh các tình huống xảy ra trong khi tác
nghiệp và cách giải quyết chúng thế nào cho hợp lý.
Nhi tâm sự: "Em thích nghề thám tử từ lâu. Dạo trước,
em hướng theo ngành cảnh sát để thỏa chí rằng mình sẽ tham gia phá các vụ án.
Song vì một vài lý do mà em bỏ ước mơ đó. Nhưng em vẫn nghĩ mình sẽ theo thần
tượng của mình là nhân vật Jame Bond". Rốt cuộc, Nhi cũng đạt được sở nguyện
của bản thân cô. Công việc chính của Nhi được phân vào mảng kinh tế, đúng
chuyên ngành cô học ở Cao đẳng Giao thông. Cô chia sẻ rằng, khi theo dõi đối tượng
thuộc lĩnh vực kinh tế, bản thân cô luôn thấy tự tin và hoàn thành tốt công việc
được sếp giao.
Nhưng đã là một thám tử Nhi xác định phải biết chấp nhận mất
nhiều thứ về chuyện tình cảm, hoặc có thể phải đối đầu với những khó khăn trong
quá trình tác nghiệp. Cô thành thật bảo rằng, ai yêu cô thì người ấy thật sự phải
là một người đàn ông biết thông cảm thì tình cảm mới không bị đổ vỡ. Trải qua 2
mối tình nhưng cô chưa dừng chân ở bến nào vì cả 2 lần đều dở dang, người yêu
và cô chưa tìm được tiếng nói chung trong sự nhìn nhận nghề nghiệp cô làm. Theo
nghề thám tử, Nhi đã đánh đổi không ít những vấn đề cá nhân mình.
Không chỉ tham gia mảng kinh tế, Nhi còn làm cả mảng xã hội.
Ở lĩnh vực này, cô có tâm sự bản thân mình gặp không ít những khó khăn. Nhi
nói: "Xã hội muôn màu, muôn vẻ, mỗi cá thể là một tính cách khác nhau, tất
cả tạo nên sự đa chiều trong mối quan hệ qua lại. Song, càng phức tạp, em lại
càng tự đúc rút được nhiều kinh nghiệm".
Cô kể thêm: "Em thấy khi bám theo một người nào mà phải
di chuyển nhiều, nhất là khi đối tượng sử dụng phương tiện khác mình. Chẳng hạn
họ đi ôtô, hoặc gặp phải lúc người ta đi xe máy nhanh quá, bọn em rất dễ bị
"cắt đuôi"".
Một câu chuyện trong nghề khi đang tham gia làm mà Nhi nhớ
rõ là, có khách hàng đến thuê theo dõi chồng mình. Nhi nói: "Buổi sáng chủ
nhật, chị vợ gọi điện báo là chồng mình đang ngồi ở phố Yết Kiêu để em tới. Uống
cà phê xong, ông chồng lên xe ôtô phóng đi về hướng đường Lê Duẩn-Giải Phóng. Đến
đoạn đường ray trước cổng công viên Thống Nhất, chiếc xe con táp vào lề đường,
khi đó đã có một cô gái đứng chờ rồi chui tọt vào xe. Chiếc xe đi, đỗ vào sân của
một nhà nghỉ dưới Giáp Bát. Em tá hỏa cả lên, gọi điện cho một đồng nghiệp nam.
Chúng em đóng giả là đôi tình nhân cũng thuê phòng để theo dõi tiếp".
Đến giờ nghĩ lại, Nhi vẫn cảm thấy run lên vì chẳng may khi
đó có ai quen nhìn thấy, chắc cô chỉ còn nước chui xuống đất. Nhưng vụ ấy Nhi
theo dõi lại không như phán đoán của bà vợ, ông chồng chị ta không phải ngoại
tình, chỉ "qua đường" thôi.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét