Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Thắc mắc của một doanh nghiệp về đăng ký nhãn hiệu



Hỏi: 

Chúng tôi là một doanh nghiệp buôn bán và xuất khẩu nông sản ra thị trường nước ngoài. Từ năm 2009 chúng tôi đã nộp đơn xin cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu của chúng tôi tại Cục Sở hữu trí tuệ và đầu năm 2011 chúng tôi đã được cấp văn bằng độc quyền. Vừa qua, chúng tôi nhận được thông báo của một văn phòng luật sư nước ngoài (nước mà chúng tôi bán hàng thường xuyên) đề nghị chúng tôi chấm dứt hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của một công ty nước đó, ngoài ra họ còn yêu cầu chúng tôi nếu muốn xuất khẩu hàng nông sản qua đó thì phải xin phép và trả lệ phí cho họ. Xin luật sư tư vấn giải thích cho chúng tôi về yêu cầu của họ có đúng không trong khi chúng tôi đã đăng ký bảo hộ, nếu được luật sư tư vấn chi tiết về cách thức giải quyết. Xin trân trọng cảm ơn luật sư.

Văn phòng luật sư Tư vấn luật xin trả lời như sau:

Vấn đề mà công ty bạn gặp phải không phải là trường hợp hiếm, điều này đã xảy ra khá nhiều như vụ một công ty Trung Quốc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Vinataba tại Trung quốc cho sản phẩm thuốc lá, và cũng một công ty Trung quốc đăng ký nhãn hiệu Buôn ma thuột cho sản phẩm cà phê. Trong trường hợp như vậy có thể tuỳ từng trường hợp chúng ta có thể yêu cầu cơ quan sở hữu trí tuệ nước ngoài xem xét huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đã cấp nếu nhãn hiệu họ đăng ký liên quan đến chỉ dẫn địa lý của Việt Nam hoặc liên quan đến tên địa danh, hoặc chứng minh nhãn hiệu đó là nhãn hiệu nổi tiếng tại nước ngoài đó.., ngược lại nếu nhãn hiệu không chứa các yêu tố đó, không phải là nhãn hiệu nổi tiếng thì xu hướng đàm phán để bên nước ngoài cho phép bên Việt Nam được sử dụng nhãn hiệu và phải trả phí.
Trở lại trường hợp của bạn, vì bạn không nói rõ là nhãn hiệu bạn đã đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ tại Việt nam hay bạn đăng ký quốc tế nhãn hiệu nên tôi đưa ra các trường hợp để bạn nghiên cứu và tham khảo như sau:
1.Trường hợp nhãn hiệu của công ty bạn chỉ được bảo hộ tại Việt Nam hoặc vừa được bảo hộ tại Việt Nam và tại các nước khác (nếu có) nhưng không bảo hộ tại nước bạn xuất khẩu
Ngoại trừ nhãn hiệu nổi tiếng được các quốc gia, thế giới công nhận, các nhãn hiệu chỉ có hiệu lực trên phạm vi lãnh thổ quốc gia đăng ký bảo hộ. Trong trường hợp của công ty bạn nếu chỉ đăng ký tại Việt Nam thì Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của công ty bạn chỉ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam, tương tự như các nước ngoài khác nếu bạn đăng ký trực tiếp hoặc đăng ký quốc tế tại nước nào thì sẽ chỉ được bảo hộ tại nước đó.
Hướng giải quyết: Bạn nên tìm đến các văn phòng luật sư có chức năng kinh nghiệm về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu để nhờ họ tư vấn, trợ giúp và trong quá trình điều tra, xác minh xem công ty nước ngoài đó có thật sự được cấp văn bằng bảo hộ cho sản phẩm của bạn hay không, văn bằng được cấp từ bao giờ, quá trình họ sử dụng nhãn hiệu đó ra sao, các yêu cầu họ đưa ra cho công ty bạn như phí sử dụng nhãn hiệu, điều kiện sử dụng….Ngoài ra, các luật sư sẽ trợ giúp bạn xác định mức độ tin tưởng, thói quen tiêu dùng của người bản địa đối với nhãn hiệu của công ty bạn từ đó đưa ra các phương án cụ thể.
2.Trường hợp nhãn hiệu của công ty bạn được bảo hộ tại Việt Nam và tại các nước ngoài mà bạn xuất khẩu hàng hoá, cung cấp dịch vụ.
Trong trường hợp này trực tiếp công ty bạn hoặc uỷ quyền cho văn phòng luật sư yêu cầu bên công ty nước ngoài cung cấp các tài liệu, căn cứ để chứng minh cho quyền sở hữu nhãn hiệu của họ. Trên cơ sở giấy tờ đó bạn kiểm tra, phân tích, đánh giá xem giữa 2 nhãn hiệu có trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn hay không, kiểm tra danh mục sản phẩm bạn đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ tại nước ngoài với danh mục sản phẩm mà công ty nước ngoài được bảo hộ.
Sau khi xem xét, phân tích, đánh giá, nếu bạn nhận thấy hai nhãn hiệu không liên quan đến nhau như không trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn, hàng hoá, dịch vụ của 2 nhãn hiệu không liên quan đến nhau thì bạn có công văn trả lời bên nước ngoài và các cơ quan của nước ngoài về việc tiếp tục sử dụng nhãn hiệu.
Nếu bên nước ngoài không cung cấp được các tài liệu chứng minh quyền sở hữu nhãn hiệu của mình, bạn làm công văn trả lời trong đó nêu rõ các căn cứ pháp lý để chứng minh quyền sở hữu nhãn hiệu của công ty bạn.
3. Trường hợp bạn chứng minh được Nhãn hiệu của công ty bạn được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng tại nước bạn xuất khẩu
Một nhãn hiệu để được coi là nhãn hiệu nổi tiếng tại một quốc gia, vũng lãnh thổ nào đó hay không thì không phụ thuộc vào việc bạn có đăng ký nhãn hiệu và được cấp văn bằng bảo hộ, tuy nhiên bạn cần có các căn cứ để chứng minh cho sự nổi tiểng như mức độ nhận biết nhãn hiệu của người dân, thời gian tồn tại của nhãn hiệu, phạm vi cung cấp hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu, giá trị thương hiệu …..nếu được nước ngoài công nhận nhãn hiệu đó là nhãn hiệu nổi tiếng bạn có quyền đề nghị cơ quan sở hữu trí tụê nước ngoài xem xét huỷ bỏ nhãn hiệu mà họ đã cấp cho doanh nghiệp nước đó nếu nhãn hiệu đã cấp trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của công ty bạn

0 nhận xét: