Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Đại học không phải là con đường lập nghiệp duy nhất

“Nam sinh tự thiêu vì... trượt Đại học”...
“Một học sinh nhảy cầu vì... rớt Đại học”
“Trượt Đại học, tôi không muốn sống!”
....
Đọc những bài báo, những lời chia sẻ xung quanh vấn đề này khiến tôi không thể không suy nghĩ. Đại học là gì mà khiến nhiều bạn trẻ từ bỏ tương lai của mình đến vậy? Nó có thực sự là duy nhất làm nên cuộc đời của bạn? Liệu các bạn có nâng nó lên trên mức quan trọng quá không?



Vào Đại học là ước mơ chính đáng

Có thể nói, nước ta là một nước có truyền thống tôn sư trọng đạo, coi trọng người thực học, thực tài và bằng cấp là một trong những bằng chứng thể hiện điều đó. Chính vì thế những người có học vị cử nhân trở lên thường có nhiều cơ hội việc làm hơn, dễ dàng thành công hơn trong cuộc sống. Vì vậy, học Đại học là ước muốn của hầu hết các bậc làm cha, làm mẹ. Ước mơ tốt nghiệp Đại học để có cuộc sống tốt hơn vẫn là ước muốn cao đẹp và đáng trân trọng của thế hệ trẻ.

Nhưng không phải con đường duy nhất để thành công

Tuy nhiên, nếu hỏi rằng Đại học có phải con đường duy nhất để lập thân lập nghiệp không, tôi có thể tự tin trả lời với bạn rằng: KHÔNG!

Bạn hoàn toàn có thể thành công trong sự nghiệp mà không cần bằng Đại học. Sự thành công trên ghế nhà trường (tức chuyện học hành) không đảm bảo cho sự thành công trong sự nghiệp. Nói cách khác, không phải cứ học giỏi, bằng cấp cao là sẽ thành công trong công việc, sự nghiệp. Điều này, bạn hoàn toàn có thể thấy ngoài thực tế rằng có rất nhiều người đậu Đại học, có bằng cấp, học lực tốt nhưng vẫn khó xin việc, khi đi làm thì lại rất chật vật với công việc và mức thu nhập không cao. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thấy hàng trăm, hàng ngàn tỉ phú, triệu phú, những vị giám đốc không có bằng Đại học, thậm chí là trình độ học vấn rất thấp trên khắp thế giới cũng như ngay ở Việt Nam nhưng đã thành công. 

Ví như như các nhà văn như Nam Cao, Tô Hoài,... đều chưa qua một trường Đại học nào nhưng vẫn là nhà văn nổi tiếng. Những tác phẩm, những thành công của họ khiến bao nhà văn có học hàm, học vị phải mơ ước và lấy đó làm mục tiêu phấn đấu. Ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) sau 4 lần thi Đại học không đỗ, ông nhận ra rằng có nhiều con đường để thành công. "Con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng” và thế là ông chọn cho mình một con đường riêng, không qua trường học mà qua trường đời để giờ đây người ta biết đến ông là một tỷ phú, là chủ của tập đoàn kinh doanh và sản xuất gỗ đá lớn nhất cả nước – tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Hay một tấm gương sáng hơn nữa mà chúng ta cũng cần nhắc đến và noi gương, đó là Bill Gates. Năm 20 tuổi, Bill Gates đã từ giã giảng đường Đại học Havard, bắt tay vào việc viết những dòng mã lệnh cho hệ điều hành đầu tiên trên máy tính. Dù không có tấm bằng Đại học trong tay, Bill Gates vẫn trở thành người đồng sáng lập, chủ tịch tập đoàn và kiến trúc sư trưởng của tập đoàn Microsoft nổi tiếng, đồng thời là một trong những người giàu nhất thế giới.

Như vậy, trong thực tế, có nhiều người không được đào tạo qua trường lớp Đại học hoặc sự nghiệp học hành còn dang dở nhưng họ vẫn trở thành người thành công, vẫn là trở thành mục tiêu phấn đấu của nhiều người mà trong tay có rất nhiều bằng Đại học.

Thành công không phải do sách vở mà do chính bản thân bạn

Đối với người xưa, để lập thân, lập nghiệp, người ta chủ yếu dựa vào lập công hoặc thi cử. Ngày nay, thế hệ trẻ vẫn có thể lập thân, lập nghiệp bằng con đường truyền thống của thế hệ cha anh nhưng bên cạnh đó, với nền kinh tế mở cửa, cơ chế độc lập,... con đường lập thân, lập nghiệp của thế hệ trẻ còn rộng mở và nhiều khả năng. Bạn có thể đi học nghề, có thể kinh doanh hay thậm chí có thể đi làm công nhân,... Chỉ cần bạn xác định mục tiêu, liên tục làm mới mình và có những chiến lược đúng đắn, ai nói rằng bạn không thể thành công?

Thêm nữa, trượt Đại học hay học hành kém cỏi không có nghĩa là bạn cũng kém cỏi. Mỗi một con người có một tố chất riêng và một trong những tố chất đó là có phù hợp với con đường học hành hay không? Người nào có tố chất dễ thành công trong học hành, họ có thể trở thành nhà khoa bảng, nhiều bằng cấp; bạn không có tố chất học hành, bạn có thể làm doanh nhân và đi thuê những người có bằng cấp về làm việc cho mình.

Tạm kết

"Ví thử đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?”
Con đường dấn thân và lập nghiệp sẽ không có “lá me bay”, sẽ không có “hoa hồng lãng mạn”; nó là con đường nhiều thử thách, lắm chông gai nhưng có con đường thành công nào là con đường bằng phẳng? Bạn hãy vững tin bước đi trên con đường lập nghiệp cho dù nó là con đường nào. Lý thuyết trong trường Đại học không giúp bạn thành công mà sự thực hành, trải nghiệm, va vấp trong cuộc sống mới thực sự cho bạn những kinh nghiệm và kiến thức để tiến đến đích của mình. Không ai thật sự là người vô dụng, nhưng để tìm ra và phát huy điểm mạnh của mình bạn hãy sẵn sàng cố gắng và dám thất bại, bạn sẽ khống chế được nỗi sợ hãi của mình.

Đại học là một trong rất nhiều những con đường giúp bạn thành công nhưng không phải duy nhất. Cuộc đời không nhiều màu hồng như bạn tưởng, nếu hôm nay hay một ngày nào đó bạn không được một trường Đại học nào đó đón nhận, hãy cứ mỉm cười, bước tiếp và hãy cảm ơn cuộc đời vì đã cho bạn được nếm trái đắng sớm hơn những người khác. Nếu bạn có ước mơ, có khao khát, sẵn sàng nổ lực để hoàn thiện bản thân và quyết tâm đeo đuổi đam mê của mình thì bạn hoàn toàn có thể đặt chân lên đỉnh vinh quang như Đoàn Nguyên Đức, như Bill Gates hay như thần tượng của bản thân bạn.


Nguồn: daihocvietnam.edu.vn

0 nhận xét: