Đang ngồi ôn bài
cho môn thi Đại học ngày mai, bỗng tôi giật mình khi thấy bố bước vào, thu dọn
đồ đạc, quần áo rồi lôi xồng xộc tôi ra ngoài, luôn miệng nói như ra lệnh “Về!
Về ngay, không thi nữa”.
Thấy thái độ lạ
của bố, tôi ngơ ngác không hiểu chuyện gì, chỉ cun cút làm theo nhưng trong
lòng vô cùng hoang mang lo lắng. Ra đến bến xe, tinh thần bố càng trở nên bấn
loạn. Nước mắt bố lưng tròng, chực trào ra bất cứ lúc nào. Bất chợt bố rút điện
thoại ra, gọi điện về cho mẹ, bố khóc nấc lên thành tiếng không nói câu nào. Thế
rồi bố lau nước mắt, miệng liên tục lảm nhảm: “Bà ơi, có đứa dí dao vào cổ tôi.
Chúng muốn băm thịt tôi ra”.
Tôi không hiểu
chuyện gì xảy ra, chỉ biết rằng nhìn nét mặt đen sạm, tái mét của bố mà nước mắt
lã chã rơi, nấc lên thành tiếng. Thế rồi bố quay sang ôm chầm lấy tôi và khóc,
khóc nức nở. Mọi người xung quanh xúm vào hỏi thăm. Thấy vậy, Đội trật tự xe hỗ
trợ đưa cả bố và tôi vào phòng bảo vệ. Ở đây, bố liên tục la hét, cắn xé dây điện
và kết quả là bố được đưa vào Bệnh viện tâm thần trong đêm.
* *
*
Tôi sinh ra tại
miền quê sỏi đá, bố mẹ đều làm nương rẫy. Tôi vẫn nhớ ngày còn nhỏ, vào những
ngày mưa, không phải ra đồng, mẹ thường ôm chúng tôi vào lòng và nói: “Bố mẹ chẳng
có gì ngoài 3 anh em. Các con ráng học hành thật tốt, thoát khỏi cảnh làm nông
cho bớt khổ”.
Nghe lời mẹ, tôi
luôn phấn đấu học hành và ôm giấc mơ một ngày nào đó, được khoác lên mình chiếc
áo xanh của người chiến sĩ Công an nhân dân, để được thấy nụ cười hài lòng của
mẹ. Thế rồi chuỗi ngày phấn đấu và chờ đợi để thực hiện ước mơ cũng đến. Cầm
trên tay phiếu báo dự thi, tôi và bố lên Hà Nội với một tâm thế hồi hộp, lo lắng
và nhìn vào mắt bố, tôi hiểu rằng bố còn lo lắng hơn tôi gấp trăm lần.
Bố chưa bao giờ
lên Hà Nội. Mấy chục năm qua bố chỉ biết đến cây lúa, củ khoai, nhà xa trung
tâm, lên thị xã còn hiếm huống chi Thủ đô. Bố chưa biết thế nào là ngồi ô tô, bố
chưa biết thế nào là Hà Nội tấp nập, xe cộ ngược xuôi. Tất cả những gì biết về
Hà Nội đều qua tivi, qua lời người ta kể. Trong hình dung của bố, Hà Nội là chốn
xa hoa nhưng lắm trộm cắp, tai nạn giao thông và tôi cũng có suy nghĩ giống bố.
Lên Hà Nội ngày
đầu với bao khó khăn, thử thách nhưng nhận được nhiều sự giúp đỡ của các anh chị
sinh viên tình nguyện, tôi và bố bắt đầu có cảm tình với Hà Nội hơn. Sau 2 ngày
tạm thời ổn định, cả ngày chẳng đi đâu bố bắt đầu buồn chán vì bố vốn là người
luôn chân luôn tay, chẳng bao giờ chịu ngồi yên một chỗ. Hôm ấy, bố bảo tôi ở
nhà còn bố ra ngoài ngắm đường ngắm phố cho biết Hà Nội. Vậy mà.... khi trở về...
bố như vậy....
Bố được người ta
đưa đến Bệnh viện tâm thần mà lòng tôi chua sót. Tâm trạng rối bời, chân tay luống
cuống, thực sự tôi không biết phải làm sao. Người ta trở tôi về chỗ trọ cũ và được
các anh chị sinh viên giúp đỡ nhiệt tình. Nhưng tôi làm sao bình tĩnh được đây
khi bố vẫn quằn quại trong bệnh viện mà chẳng hiểu lý do? Chuyện gì đã xảy ra với
bố?
Mặc cho mọi người
khuyên can, động viên, hỏi thăm nhưng tôi vẫn nấc lên thành tiếng và khăng
khăng trở lại bên bố. Vậy là đêm hôm, các anh chị sinh viên lại lặn lội trở tôi
đến Bệnh viện.
Sáng hôm sau, bàn tay bố bắt đầu động đậy, mắt bố bắt đầu hé
mở với vẻ mặt hoang mang. Bố nhìn chằm chằm vào tôi như định hình lại tất cả. Bất
chợt bố ôm mặt khóc nức nở! Bố bị người ta cướp hết số tiền để lo kinh phí cho
tôi đi thi. Số tiền bố mẹ phải tích cóp không biết bao nhiêu năm với bao vất vả,
nhọc nhằn, đó là cả gia sản của gia đình. Nhìn bố, nhìn lại gia cảnh nhà mình,
một câu nói lóe lên trong đầu tôi “Đại học là con đường tốt nhất chứ không phải
duy nhất!”.
* *
*
Vậy là 5 năm trôi qua, khoảng thời gian khá dài nhưng không đủ
để giúp tôi xóa nhòa kí ức ấy. Kí ức về hình ảnh người tôi yêu thương nhất quằn
quại trong đau khổ vì phải chịu một cú shock quá lớn.
Những ngày sau đó, bố trấn an được lại tinh thần, nỗi đau dần
dần nguôi ngoai nhưng bố trở nên ít nói, ít cười hơn. Tôi biết bố đang tự trách
mình. Bố trách vì bố mà tôi không thể thi Đại học, ước mơ được khoác chiếc áo
xanh của người Công an nhân dân vì thế không thành sự thực. Nhưng với tôi ước
mơ kia không còn quá quan trọng. Quan trọng là với quyết định không đi thi Đại
học lần hai, ước mơ trở thành chiến sĩ Công an nhân dân không thành, nhưng ước
mơ là người đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người khác của tôi đã
thành. Tôi trở thành người bảo vệ chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, sẵn sàng
bắt những tên tội phạm như những tên trộm, tên cướp năm xưa đã lấy đi toàn bộ
gia sản của gia đình tôi. Tôi tin rằng, với quyết định của mình, sẽ có ngày bố
tự hào về người con trai của bố, một chàng trai bảo vệ!
Chia sẻ của độc giả
0 nhận xét:
Đăng nhận xét