Mỗi khi tháng 6 chạm ngõ, nhìn các cô cậu học
trò lau vội những giọt nước mắt chia ly để chuẩn bị bước vào một mùa thi, tôi lại bồi hồi nhớ lại những ký ức thời học
sinh đẹp đẽ của mình. Như tất cả mọi người, tôi cũng có một mùa hạ, mùa thi,
mùa chia ly hồi hộp, náo nức… nhưng đó không phải là kỳ thi đại học.
Lớp 11, tôi được tuyển chọn vào đội tuyển dự
thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử. Các thầy cô đặt rất nhiều kỳ vọng vào
cuộc thi này vì ngôi trường cấp 3 của tôi vốn có truyền thống đạt giải quốc gia
môn đó. Tôi cũng rất yêu thích môn lịch sử, và quả thật tôi không khỏi bất ngờ
khi gần đây đọc được những thông tin cả hội đồng thi môn sử chỉ có 1 học sinh.
Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm đó quả thật là những ngày
tháng đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi. Tôi
sinh ra và lớn lên ở miền đất miền Trung quanh năm mưa lũ và gió lào cát trắng.
Từ bé, tôi đã được biết cuộc sống là khó khăn và vất vả như thế nào. Những buổi
chiều đi học về gặp những người nông dân gặt lúa, vác lúa ngoài đồng giữa cái
nắng tháng 6 thiêu đốt, khuôn mặt họ lấm lem chỉ còn nhìn thấy hàm răng trắng,
và trên cái khăn che mặt chỉ còn nhìn thấy hai cái lỗ mũi đen xì. Đó cũng chính
là hình ảnh của cha mẹ tôi. Mẹ tôi từng bảo: “Tuy mẹ phải làm việc vất vả,
thường xuyên bị bố và bà nội chửi mắng đánh đập nhưng mẹ luôn cảm thấy hạnh
phúc vì cả 3 anh em con đều ham học và học giỏi. Con phải cố học để sau này
không phải khổ cực như bố mẹ, như những người dân ở đây”. Lời nói đó cứ ám ảnh
mãi trong tâm trí của tôi, cho đến tận bây giờ.
Từ giữa năm lớp 11 khi các bạn tôi còn học hành thong dong, tôi đã
cuống cuồng học hết tất cả kiến thức của lớp 12 để chuẩn bị đi thi quốc gia. Tôi
đã học bằng tất cả nghị lực, lòng quyết tâm, niềm mê say và lòng hứng thú. Tôi
luôn đặt ra cho mình kế hoạch và mục tiêu phải đạt được cụ thể và rõ ràng. Tôi
tự làm và tự chấm điểm theo thang điểm trong tập đề thi. Cũng thật may mắn là
khoảng thời gian đó tôi không một lần nào bị đau ốm. Tối nào tôi cũng đến nhà
thầy dạy Sử học thêm. Con đường từ nhà tôi đến nhà thấy phải đi cả một quãng
đường dài vắng vẻ, con đường đất tối om không có lấy một ánh đèn. Tôi vẫn đi
học đều đều mà không có chút sợ hãi. Đến giờ này khi đã trở thành một bà mẹ,
tôi vẫn không sao lý giải nổi ngày ấy sao tôi có thể gan dạ đến như vậy.
Cứ đến đêm, đúng 0h15 bỗng dưng trong làng có tiếng gà trống gáy làm tôi
không khỏi cảm thấy kì lạ. Lúc ấy mẹ tôi giật mình tỉnh dậy thấy tôi vẫn cặm
cụi ngồi bên bàn học sáng đèn thì giục tôi đi ngủ. Tôi bảo bạn bè con toàn kể
chuyện bố mẹ bắt học, chỉ có mẹ bảo con đi ngủ.
Nhưng cũng từ đó, tôi cứ miệt mài học cho đến khi nghe thấy tiếng gà
trống gáy thì bắt đầu ngừng bút vì biết để đèn sáng mẹ tôi không ngủ tiếp được.
Cái bàn học lúc đó của 3 anh em tôi cũng thật đặc biệt, đó là cái…
quan tài bố chuẩn bị cho bà nội. Ngày xưa, ở làng tôi vẫn có quan niệm nếu để
quan tài trong nhà thì người già sẽ sống lâu hơn. Bố tôi làm thêm nghề mộc, nên
tự tay đóng cho bà bằng gỗ lim, bố đóng thêm ghế để chúng tôi tận dụng nó làm
bàn học luôn. Chẳng biết quan niệm đó có đáng tin không nhưng từ lúc ấy đến nay
đã 10 năm, bà nội tôi năm nay 95 tuổi mà vẫn khỏe mạnh minh mẫn lắm.
Hồi đấy, 17 tuổi nhưng tôi đam mê sách hơn cả quần áo đẹp. Tôi
dành dụm tiền để tìm kiếm những quyển sách hay, kể cả những cuốn sách rách bươm
từ những cửa hàng sách cũ. Cũng vì cặm
cụi vào sách vở quá nhiều mà đến một hôm đạp xe đi học tôi bỗng thấy cái biển
báo bên đường nhòe nhoẹt. Tôi phát hiện ra mình đã bị cận thị thì cũng là lúc
tôi chuẩn bị lên đường ra Hà Nội thi học sinh giỏi.
Ngày thầy cô đưa đoàn học sinh đi thi, tôi là học sinh duy nhất
của trường tôi nằm trong đoàn học sinh giỏi quốc qua của tỉnh lên Hà Nội thi.
Buổi tối thầy cô đưa chúng tôi đi dạo xung quanh khu khách sạn chúng tôi ở,
nhìn các anh chị sinh viên mặc áo xanh tình nguyện mà tôi ngưỡng mộ vô cùng,
thật thích khi được gọi là “ sinh viên”. Tôi cũng ao ước mình sẽ được trở thành
“sinh viên” mà không phải trải qua kỳ thi đại học như các bạn khác.
Bước vào phòng thi, giây phút chờ đợi thật là hồi hộp. Đến lúc
phát đề thi, cầm hai tờ giấy mà hai mắt tôi bỗng dưng bị nhòa đi trong phút
chốc.
Đến bây giờ, gần 10 năm đã trôi qua, tôi vẫn không thể nào quên
khoảnh khắc tên tôi được xướng lên trong buổi chào cờ hôm ấy. Tôi được giải Ba…
Hạnh phúc vỡ òa. Nhưng sau này tôi vẫn phải tham gia kỳ thi đại học vì ngôi
trường tôi đăng kí chỉ tuyển các học sinh đạt giải Nhất, nhưng với tôi kỳ thi
đại học không đọng lại nhiều cảm xúc như kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm ấy.
Mặc dù sau này tôi hiểu rằng khi ra đời điều đó không có nghĩa lý gì nhiều,
nhưng đó là một kỷ niệm đẹp tôi không bao giờ muốn quên, vì đó là quãng đời
tuổi trẻ sôi nổi và say mê học tập nhất của tôi. Đó là những ngày tháng tôi đã
sống với mơ ước cháy bỏng và nghị lực phi thường mà cho đến bây giờ chưa khi
nào tôi có lại được.