Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

Mùa cáy quê tôi

Mùa cáy quê tôi
Mẹ tôi bao năm nay vẫn có thói quen làm mắm vào hai mùa tháng 6 và tháng 10. Những chai mắm vẫn đậm đà theo thời gian bởi đôi bàn tay chai sần của mẹ. Nó nhắc tôi không được quên những tảo tần mưa nắng của mẹ, không quên những tháng ngày thơ ấu vất vả ngày xưa và cũng lâu lắm rồi tôi cũng chưa được ăn món khế chua với càng cáy.

***
Sau những trận mưa đầu tiên báo hiệu mùa hè là lúc cáy bò ra khỏi hang. Tầm tháng 4 hay tháng 5 là bắt đầu mùa cáy. Thực ra những con cáy mùa này thường gầy, ít thịt và sau một khoảng thời gian được gọi là “ngủ đông” thì chúng bắt đầu chui ra khỏi hang để đi kiếm ăn. Đến mùa đổ ải tháng 10 thì cáy con nào cũng đỏ au, càng to và rất mẩy.

Ở quê, tuổi thơ tôi, cứ vào mùa tháng 5, tháng 6 khi mà tiết trời bắt đầu nắng gắt là tôi thường vác cần đi câu cáy vào những buổi chiều tối để vừa thỏa mãn cái thú vui hóng gió buổi chiều và cũng là để bổ sung chút đạm cho những ngày khốn khó nhọc nhằn.

Để bắt cáy thì người ta có khá nhiều cách. Cách thứ nhất là người ta thường dùng một cái đó, có nắp cái đụt. Chiêu này thường phải đợi mùa nước lên hay những hôm mưa rào lớn, nước ở chân ruộng còn nhiều trong khi dưới mương thì thấp. Người ta sẽ be bờ, chỉ để một lối nhỏ cho nước thoát ra rồi hứng tất cả những con tôm tép, cua cáy vào đó. Cách thứ hai là đợi đến mùa đổ ải, cáy hay ra bờ sông nằm phơi mình trên những triền sông, mương hay bờ ruộng. Vào ban đêm, chúng rất thụ động và rất dễ bắt. Cách này thì vất vả phải đi đêm. Cách thứ ba, có phần tao nhã hơn và thú vị hơn là đi câu.

Mùa cáy quê tôi

Để câu được cáy thì bạn phải chuẩn bị cần câu, mồi và yếu tố hơn hết là sự khéo léo. Cần câu cáy phải dài, càng thon càng tốt, ngọn cần phải dẻo và cong. Dây buộc là chỉ sợi một đoạn ngắn. Mồi để câu cáy có thể là những con ốc vặn được đập nát ra lấy thịt, buộc vào đoạn chỉ ở đầu cần câu. Đấy là cách thông thường mà những đứa trẻ quê tôi thường làm. Riêng tôi, tôi lấy miếng da lợn dầy, rán thơm nên để vừa dẻo, dai và dễ dụ những con cáy khôn ngoan, chán mùi thịt ốc.

Cái trò đi câu này vừa là thú tiêu khiển, vừa là bổ sung chút đạm nhỏ nhoi vào những tháng ngày khốn khó. Những lúc đó bữa cơm có canh cáy đậm, cà pháo chua và đậu rán có thể được coi là tươm trong tuổi thơ của những đứa trẻ nông thôn nhà nghèo như tôi. Thường thường, tôi sẽ đi câu vào những hôm trở trời, cáy hay bò ra khỏi hang hay là vào những ngày nắng nóng, vừa câu cáy vừa hóng mát cũng khá là thú vị. Lúc đó những cơn gió nồm nam cứ chạm nhẹ, mơn man dễ chịu.

Mùa cáy quê tôi

Khi câu cáy, người câu cần phải khéo tay, dùng cần nhấp nhổm miếng mồi trước cửa hang cáy để dụ chúng ra. Miếng mồi cứ nhảy tưng tưng rất bắt mắt với loài cáy. Những con nào đói hay ham ăn chúng sẽ dùng càng để cắp lấy miếng mồi. Khi đó ta chỉ việc nhấc lên và túm bỏ vào rỏ. Thường thì những con cáy khi đã cắp lấy mồi chúng giữ rất chặt, không chịu nhả ra. Người câu chỉ việc bắt lấy chúng là xong. Nhưng cũng có những con cáy rất là khó chịu. Đó là những con cáy con hay cáy già. Mấy con cáy con, hay được cho là ngựa non háu đá. Chúng thấy miếng mồi mới nẩy lên được 2 hay 3 lần là lao vào cắp luôn nhưng cũng bỏ ra rất nhanh và liều lĩnh. 

Có khi vừa nhấc lên khỏi miếng hang là chúng lại nhả ra ngay, bất chấp rơi xuống nước. Với những con này người câu cần vừa kiên nhẫn, vừa nhẹ nhàng phải cho chúng cặp thật chắc rồi nhấc cần thật nhanh thì mới bắt nổi chúng. Còn những con cáy già, thì chúng rất ma lanh. Miếng mồi có nẩy thế nào chúng cũng cứ nằm yên, mơ màng và cực kì trêu ngươi. Có khi cũng đợi người câu hết kiên nhẫn rồi chuẩn bị nhấc cần thì chúng mới tiến ra, rồi lại thụt vào. Khi ra rồi thì bò rất chậm, hay có động tác giả cặp vào miếng mồi khiến người câu lầm tưởng là chúng đã cắn đến khi nhấc lên thì tuột ngay lập tức. Với loại này đòi hỏi người câu phải cực kì kiên nhẫn, khéo léo. Ngoài việc nẩy mồi để dụ chúng ra xa hang, cũng cần đợi cho chúng ôm chặt mồi và định kéo vào hang thì mới nhấc cần. Thường những con cáy này dùng để rang với lá mơ ăn rất là bùi.

Mùa cáy quê tôi

Những ngày như thế, ngày nào tôi cũng câu được vài chục con cả to lẫn nhỏ, đủ cải thiện bữa ăn cho những tháng ngày nhọc nhằn, cằn cỗi ở làng quê toàn đá với núi. Những hôm nhiều có thể bán được vài ngàn để đưa mẹ.

Những con cáy, người ta thường nấu canh ăn với cà pháo, đậu phụ hay rang lá mơ. Riêng quê tôi, mẹ tôi hay làm mắm cáy. Một thứ mắm rất riêng, thơm và khó quên. Để làm mắm cáy người ta phải giã thật nhỏ với muối, sau đó là hòa đều với nước đun sôi để nguội. Sau cũng là dồn vào chai và đem ra phơi nắng nhiều ngày. Đến khi có màu đục, gạch cáy đã nổi đều là ăn được. Mắm làm mùa tháng 6 thường là mắm xổi, vì nắng gắt, mắm nhanh được ăn nhưng rất dễ thối bởi nước mưa. Mùa tháng 9, 10 nắng thu tuy nhẹ nhưng rát và đều khiến cho mắm thơm và để được lâu hơn.

Khi ăn mắm cáy người ta ăn trực tiếp và thường ăn với rau muống, tỏi nhánh. Một món ăn gắn liền với sự tần tảo mưa nắng của bà, của mẹ và cả những người thôn quê khác. Khi ăn hết nước mắm, người ta có thể dùng cẳng cáy để ăn với khế chua. Cái mặn của muối ngậm sâu vào những chiếc càng cáy sẽ át đi cái chua của những quả khế chín vàng và là sự thích thú của những đứa trẻ quê nghèo.

Mẹ tôi, bao năm nay vẫn có thói quen làm mắm vào hai mùa tháng 6 và tháng 10. Những chai mắm vẫn đậm đà theo thời gian bởi đôi bàn tay chai sần của mẹ. Nó nhắc tôi không được quên những tảo tần mưa nắng của mẹ, không quên những tháng ngày thơ ấu vất vả ngày xưa và cũng lâu lắm rồi tôi cũng chưa được ăn món khế chua với cẳng cáy.

Xem thêm : 







0 nhận xét: