Cô nhớ đến khuôn mặt gầy gò của mẹ. Nhớ đến người cha hiền từ, ít nói. Lúc bỏ tất cả ra đi, cô lại quên mất họ. Cô chỉ biết mình vừa bị phản bội, chỉ biết sẽ chẳng có đám cưới nào xảy ra, chỉ biết rằng cô đã hoài phí cả tuổi thanh xuân cho một tình yêu giả dối. Nhưng cuộc đời đâu phải chỉ có mỗi tình yêu. Đâu phải thiếu vắng đi một ai đó là ta sẽ không thể sống nổi?
***
Thư đờ đẫn đưa mắt nhìn ra ô cửa sổ. Những vệt cây xanh mướt, thấp thoáng bóng những ngôi nhà đơn sơ trôi vụt qua trước mắt cô. Trước một vùng đất xa lạ, tâm trí cô lại chẳng hề háo hức mong chờ. Cô đưa tay lục tìm trong túi xách chiếc điện thoại, bật nguồn rồi gửi đi tin nhắn đã soạn sẵn: “Mình chia tay đi!”
Chỉ một tin nhắn ngắn ngủi mà cô phải đợi khi rời xa thành phố hàng trăm cây số, sau bao lần xóa đi viết lại mới gửi. Chiếc điện thoại bỗng tắt ngúm, màn hình đen thui, chắc là hết pin. Trước đó, cô còn kịp nhìn thấy mười ba cuộc gọi nhỡ, năm tin nhắn chưa đọc. Cô biết chắc rằng, tất cả đều từ Phong. Cô lưu anh trong danh bạ chỉ bằng một từ nhưng rất đỗi dịu dàng và đầy ẩn ý: Anh! Cô khẽ thở dài. Có lẽ bấy nhiêu cuộc gọi và tin nhắn là tất cả sự kiên nhẫn đầy cố gắng của anh rồi.
Tàu dừng ở một ga khá vắng vẻ và xa lạ. Một vài người lục đục bước xuống. Cô xốc mạnh chiếc túi vải, bước xuống. Trời đã ngả về chiều, dưới bóng cây bàng trước cửa ga, một bà cụ già mái tóc bạc lơ thơ, miệng móm mém nhai trầu, tay rót chén nước trà đưa cho cậu thanh niên vừa mới xuống ga. Một bác trai ngồi vắt vẻo trên chiếc xe máy, bộ quần áo đã bạc phếch. Chẳng hiểu sao cô bỗng thấy con người nơi đây rất đỗi hiền từ và chân chất.
- Bác chạy xe ôm ạ?
- Đúng rồi cô! Cô về đâu tôi chở?
- Cháu…
- Ồ, cô là cô giáo tình nguyện phải không? Nào lên đây! Từ đây vào bản cũng phải mất một đoạn. Nhưng đường xóc lắm nhé, cô ngồi chắc vào. Bọn trẻ con thấy cô đến là mừng lắm đấy! Mà cô đi đường có mệt không? Chúng tôi ở đây nghèo lắm, nhưng được cái giàu tình cảm cô ạ. Đấy! Rồi cô sẽ yêu cái vùng đất này thôi.
Bác xe ôm vừa hỏi vừa nói một thôi một hồi, hoàn toàn không cho cô có thời gian để phân bua. Trước sự đáng yêu và nhiệt tình của một con người xa lạ, cô bỗng bật cười. Nụ cười bật ra trước cả khi cô nhận ra, ồ thì ra mình vẫn có thể mỉm cười sau ngần ấy chuyện. Thì ra nở một nụ cười không phải là điều gì quá đỗi khó khăn. Cô bỗng cảm thấy may mắn bởi trong một phút giây xốc nổi, mình đã lao ra nhà ga, chọn bừa một chuyến tàu đến vùng đất xa lạ này.
Núi đồi dần hiện ra trước mắt cô một màu xanh mướt. Từ đâu những cơn gió khẽ thổi đến mơn man da mặt và thổi tung những sợi tóc ngắn ngủn của cô. Thấp thoáng ẩn hiện trong những núi đồi xanh ngắt là những mái nhà sàn nho nhỏ. Khói bếp lam nhạt nhè nhẹ bốc lên, vương vít trên những ngọn cây rồi tan biến không dấu vết trong không trung. Cô còn nghe thấy tiếng lích chích của những chú gà con, tiếng ủn ỉn của những con lợn. Và ríu rít khắp nơi là tiếng chim hót mê say.
- Đến rồi cô giáo! Cô ngồi tạm trên bậc cửa đợi tôi, để tôi đi tìm thầy Nhiên, báo là cô đã đến!
Chiếc xe đỗ xịch một cái trong lúc Thư còn bần thần. Trước mặt cô là một bãi đất phẳng nằm lưng chừng một quả đồi nhỏ. Những mảnh gỗ ghép lại thành phên và quây bốn xung quanh tạo thành một mái nhà nho nhỏ. Nhà lợp lá, đơn sơ mà lại có cảm giác gần gũi. Thư bỗng nhớ căn nhà gỗ đơn sơ của bà ngoại, nhớ những buổi trưa nằm nghe tiếng mọt kẽo kẹt đục trong từng thớ gỗ, tiếng gió lao xao phả mùi nắng giòn tan qua khe cửa… Trước mắt cô là một lớp học. Ba chiếc bàn gỗ dài được xếp ngay ngắn. Trên chiếc bảng gỗ trên tường vẫn còn bài học của ngày hôm qua:
Bàn tay mẹ
Bế chúng con
Bàn tay mẹ
Chăm chúng con
Cơm con ăn
Tay mẹ nấu
Nước con uống
Tay mẹ đun
Nét chữ không được tính là đẹp, nhưng cẩn thận, chắc khỏe và cứng cỏi.
Ngoài cửa vang lên giọng nói của bác xe ôm:
- Chào thầy tôi về nhé!
- Vâng chào bác ạ!
Giọng nói lạ lẫm vang lên, âm vang và từ tốn. Thư bỗng thấy tim mình đập mạnh, một cảm giác hồi hộp bỗng ập tới trong cô. Chưa kịp để cô ổn định lại tâm trạng, cánh cửa đã cọt kẹt mở ra. Trong ánh nắng chiều rọi vào cửa lớp, hiện ra một người đàn ông. Người đàn ông bước hẳn vào trong lớp, cũng đưa mắt nhìn cô như tìm tòi, nghiên cứu.
- Tối nay cô ngủ tạm trong phòng tôi.
- Ơ!
Thư ngơ ngác đưa mắt nhìn người đàn ông lạ lẫm. Anh ta nhếch miệng cười:
- Sao nào? Sợ à? Biết sợ mà còn thích đến đây để tìm cảm giác lạ sao? Xin lỗi nhé! Đây không phải là chỗ người thành phố các cô đến để trải nghiệm.
Nói rồi anh ta bước ra ngoài.
Khi người đàn ông trở lại lớp học, trên tay cầm theo một chiếc khăn mặt còn mới, anh ngỡ ngàng nhìn thấy một cô gái nhỏ đang ngồi khóc. “Mình nói hơi nặng lời chăng?” – Anh thầm nghĩ. Anh khẽ chạm vào vai cô:
- Này… sao cô lại khóc? Tôi…
Thư ngẩng đầu, gạt mạnh dòng nước mắt, giật chiếc khăn mặt trên tay người đàn ông rồi bước ra ngoài sân. Cô bước vào căn phòng. Trong phòng chỉ có một chiếc bàn chất đầy sách, một mảnh ván kê tạm thành một chiếc giường nho nhỏ. Người đàn ông khi nãy đã đứng ngấp ngó trước cửa phòng, e dè nhìn cô và nói:
- Cô đừng hiểu lầm! Tôi sẽ ngủ trong lớp học.
Thư quay mặt đi, không thèm nói gì với anh ta. Đợi anh quay đi hẳn với khuôn mặt ủ ê của một người mắc lỗi, Thư nằm bò hẳn ra giường mà cười. Lâu lắm rồi cô mới gặp một người đàn ông thuần phát đến thế! Sự tức giận, cáu kỉnh, sự lúng túng, ngại ngùng của anh, cô có thể nhìn ra, tất cả đều chân thành, trong vắt như làn nước. Trong âm thanh của núi rừng, cô thiếp đi lúc nào không hay.
Khi những tia nắng ấm áp len qua khe cửa chiếu vào căn phòng, Thư tỉnh giấc. Đã lâu rồi cô chưa có một giấc ngủ ngon đến thế! Cô bỗng nghe thấy bên ngoài tiếng nói cười của lũ trẻ. Thư đẩy cửa bước ra ngoài. Vài đứa trẻ đang chơi ngoài sân nhìn thấy cô bỗng dừng hết lại. Chúng mở to hết sức đôi mắt đen láy nhìn cô. Một đứa bé hơn còn đứng nép sau lưng một người chị lớn.
- Các em lại giúp thầy nào!
Thư đưa mắt nhìn. Là Nhiên! Anh mặc bộ quần áo nâu như một chàng trai dân tộc, trên lưng vác một bao tải to. Lũ trẻ xúm xít lại chân anh, đỡ lấy bao tải. Anh đổ bao tải ra nền đất: một vài cái măng, một bó rau to, mấy chùm quả lạ mà cô không biết tên lăn lốc ra nền đất. Anh chia quả cho lũ trẻ rồi cầm một chùm tiến lại phía cô. Thư bỗng thấy thẹn thùng, khẽ hỏi:
- Anh đi đâu sớm thế?
- Là cô dậy muộn đấy chứ! – Anh cười. Rồi anh quay sang lũ trẻ:
- Các em! Đây là em gái của thầy.
Lũ trẻ ngừng ăn, nghe thấy hai từ “em gái”, có đứa còn nhe hàm răng sún mà cười với cô.
- Em thầy tên là gì ạ? Một đứa hỏi.
- Ừ…
- Cô tên là Thư.
Cô vội trả lời rồi nhìn sang anh khẽ nói:
- Sao nào? Đến em gái mình mà còn không nhớ tên à? Sao tôi từ người thành phố đi trải nghiệm đã thành em gái của chàng trai miền núi rồi?
Anh bẽn lẽn vò tóc:
- Cô thù dai thế?
Sau khi mang cất mấy cái măng và nắm rau rừng vào gian bếp nhỏ, Nhiên vòng vào lớp học. Bỗng anh nghe thấy tiếng hát, tiếng cười vang lên trong lớp. Khi anh bước vào, lũ trẻ thi nhau khoe:
- Thầy ơi cô Thư dạy chúng em hát! Cô hát hay lắm!
- Cô Thư ơi thầy Nhiên chẳng dạy chúng em hát bao giờ!
Thư thích thú đưa mắt nhìn anh. Và không ngoài dự đoán, cô lại nhìn thấy một khuôn mặt ngại ngùng không hợp độ tuổi của Nhiên. Đã vào giờ học. Cô ngồi xuống cuối lớp, nằm bò ra bàn như một đứa trẻ lười và nghe anh giảng bài. Anh giảng từ tốn, hăng say, thỉnh thoảng lại dừng lại lắng nghe và kiên nhẫn giải thích đủ mọi thắc mắc của bọn trẻ. Bỗng anh dừng bài giảng và bước ra cửa lớp. Bọn trẻ con trong lớp học cũng xôn xao. Trước cửa lớp là một cậu bé gầy gò, đen đủi, quần áo cũ nát nhưng đôi mắt rất sáng và lanh lợi.
- Vừng đấy à! Sao mấy hôm nay em không đến lớp?
Cậu bé tên Vừng ngập ngừng:
- Vừng đến chào thầy và mấy bạn! Vừng không đi học được nữa. Bố Vừng ốm rồi! Mẹ Vừng còn phải chăm bố và em. Vừng phải lên rẫy.
Lớp học bỗng chùng lại. Nhiên và lũ trẻ xúm lại hỏi han Vừng. Trong mắt họ là một nỗi buồn vô tận… Thư không biết nhiều về cậu bé tên Vừng ấy! Nhưng Thư biết, bằng tuổi em, những đứa trẻ thành phố được bố mẹ chăm sóc đủ đầy. Có đứa lắc đầu quầy quậy trước những bữa ăn ngon mà bố mẹ cố ép nài. Có đứa ngày ngày được bố mẹ đón đưa, sáng học ở trường, chiều học ở lớp học thêm. Có đứa cắm đầu vào ti vi, máy tính và không phải lo nghĩ đến bất cứ chuyện gì. Chẳng hiều như thế là sướng hay là khổ nữa nhỉ?
Lớp học đã tan trong lúc Thư vẫn còn chìm trong suy nghĩ. Mãi cho đến khi giọng Nhiên vang lên:
- Cô nghỉ ngơi ở đây ngày hôm nay! Mai tôi sẽ nhờ người đưa cô ra ga nhé!
Thư ngỡ ngàng ngẩng đầu:
- Anh đuổi tôi ư?
Anh khẽ lắc đầu, mìm cười với cô:
- Cô thấy đấy! Đây không phải là nơi dành cho cô. Chúng tôi chỉ có rau rừng, măng đắng. Lũ trẻ lớn lên đã phải học cách làm quen với cái đói, trước khi học nói, học đi. Nơi đây không phải là nơi mang cho cô niềm vui mới mẻ…
- Tôi không đi tìm niềm vui mới mẻ. Tôi đi trốn nỗi buồn…
- Cô nên đối diện với nó, thay vì trốn tránh…
- Anh không hiểu đâu.
- Tôi hiểu chứ! Cô biết không? Đêm đó tôi bỏ nhà đi vì xích mích với cha mẹ. Trong lúc tôi bù khú rượu bia với bạn bè, bố mẹ tôi và em gái tôi, vì đi tìm tôi mà… đã… Rồi tôi lên đây! Bao năm qua tôi đã gặp biết bao nhiêu người đi trốn, nhưng tôi đều khuyên họ trở lại. Nếu cô còn có những người thân yêu, vậy thì hà cớ gì phải buông bỏ hy vọng? Lẽ ra cô phải sống tốt hơn chứ! Vì còn có nhiều người lo lắng cho cô, yêu thương cô, mong muốn cô được hạnh phúc…
Thư bỗng có cảm giác muốn khóc. Cô nhớ đến khuôn mặt gầy gò của mẹ. Nhớ đến người cha hiền từ, ít nói. Lúc bỏ tất cả ra đi, cô lại quên mất họ. Cô chỉ biết mình vừa bị phản bội, chỉ biết sẽ chẳng có đám cưới nào xảy ra, chỉ biết rằng cô đã hoài phí cả tuổi thanh xuân cho một tình yêu giả dối. Nhưng cuộc đời đâu phải chỉ có mỗi tình yêu. Đâu phải thiếu vắng đi một ai đó là ta sẽ không thể sống nổi? Thư đưa mắt nhìn khoảng xanh núi đồi phía xa xa. Cây vẫn mọc lên từ những vùng đất cằn cỗi. Và như chàng trai đang ngồi cạnh cô đây, cũng đã học được cách mọc thẳng như một loài cây dại trước bão giông của cuộc đời. Có lẽ cô phải mạnh mẽ lên thôi, để sống, và để hạnh phúc.
Thư nói khẽ, giọng đã khàn lại:
- Anh bảo, nếu tôi trở về, mọi người có cười nhạo tôi không? Bố mẹ tôi có cần tôi nữa không?
Rồi cô lẩm bẩm, giọng nói nhỏ dần như đang tự nói với chính mình:
- Để được theo đuổi tình yêu của mình, tôi đã cố chấp không nghe lời khuyên của bố mẹ, còn giận dỗi họ nữa. Tôi đã làm họ buồn, làm họ thất vọng…
Nhiên đưa mắt nhìn ra ngọn núi phía xa xa, nơi anh chưa từng đặt chân đến bao giờ. Anh không trả lời câu hỏi của Thư, chỉ thì thầm nhỏ:
- Cô nhìn đám mây đen kia kìa! Trời sắp mưa đấy! Cô biết không, sau cơn mưa ngọn núi kia sẽ biếc xanh như ngọc ấy. Nếu may mắn, cô còn được ngắm nhìn cầu vồng nữa đấy!
Thư nhìn theo Nhiên, thấy phía xa xa là một ngọn núi xanh biếc. Có lẽ lúc nào nó cũng xanh một màu như vậy, đâu cần đến cơn mưa. Nhưng mà, sau cơn mưa nào, trời cũng sáng trong hơn thì phải. Thư mỉm cười. Cô phải trở về thôi. Chắc bố mẹ đang mong cô lắm! Chẳng có nơi nào bình yên bằng ngôi nhà ấm áp của mẹ cha…
Xem thêm :
0 nhận xét:
Đăng nhận xét